Dáng cổng Cổng làng

Cổng làng có thể mang dạng cổng tam quan hay còn gọi là tam môn, tức ba lối đi: một lối chính và hai lối ngách. Lối ngách dùng hàng ngày; chỉ khi có nghi lễ mới mở lối giữa.[2] Thông thường thì cổng chỉ làm một lối xây vòm (cuốn tò vò) hoặc vuông góc. Cổng trước xây to lớn hơn, trên trán cửa thì ghi tên làng hoặc một câu liên quan đến địa phương đó, làm như bức hoành phi.[3] Trường hợp làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, thuộc Hà Nội nơi có đền thờ đại công thần Nguyễn Trãi thì cổng làng viết bốn chữ 如見大寶 Như kiến đại bảo, nghĩa là "như thấy điều quý báu lớn" nói lên niềm tự hào của làng. Dù cho loại xây chỉ có một lối đi, cổng làng có thể xây thêm hai "cổng mã" hai bên, tức hình dáng như một lối đi nhưng xây bít đặc. Để cân đối, có khi đắp thêm trụ biểu cao ở hai bên như cổng làng Thổ Hà. Làng văn vẻ hoặc trù phú còn làm thêm câu đối vinh danh hoặc ca tụng lịch sử làng.[3] Cổng làng Vân, tỉnh Bắc Giang có truyền thống nấu rượu ngon nên cổng làng viết đôi câu đối:

Vân hương mỹ tửu lừng biển BắcChiến công Như Nguyệt rạng trời Nam.

Cũng như những công trình xây cất truyền thống khác, phép chọn phương hướng để xây cổng làng bị chi phối bởi học thuật phong thủy. Lý tưởng nhất thì cổng trước nhìn ra hướng đông, cổng sau ra hướng tây.

Vật liệu xây là gạch hoặc đá đắp thêm vữa, trên làm mái. Cầu kỳ thì làm hai tầng mái (chồng diêm) hoặc xây gác giống vọng lâu với mái cong. Nóc mái thì đắp rồng, phượng, cá hóa long, quả bầu v.v. Làng nghèo thì cổng chỉ bằng gỗ tre.

Bố cục thường gắn bó với cổng làng là cây đa nên biểu tượng chung của làng quê Việt Nam miền Bắc là: cây đa, giếng nước, sân đình vì đó là ba nơi tụ họp của mọi tầng lớp xã hội nông thôn.